Thế giới hậu Covid-19 hôm nay chúng ta đang sống đã và mãi mãi không còn giống thế giới hôm qua. Đại dịch có thể qua đi nhưng những tác động của nó tới các phương diện đời sống, đặc biệt là kinh tế vô cùng sâu sắc. Ở thời bình thường mới, cách thức vận hành của doanh nghiệp Việt bắt đầu có những biến đổi mạnh mẽ và đặt ra yêu cầu sống còn: chuyển đổi số. Bởi vậy trong series này, chúng ta sẽ lần lượt gợi mở các vấn đề về chuyển đổi số:
- Thời bình thường mới doanh nghiệp Việt đã thay đổi như thế nào?
- Điều gì cản trở doanh nghiệp chuyển đổi số?
- Muốn chuyển đổi số phải có số!
- Số hóa thế nào, chuyển đổi ra sao?
Trong bài mở đầu series bốn phần này, chúng ta sẽ bắt đầu tìm lời giải cho bài toán về thế giới sau làn sóng covid – 19 thứ hai với những trật tự mới và những biến động không ngờ, ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động của doanh nghiệp.
-
Mục lục
Làn sóng Covid thứ hai đã tái xác lập cách doanh nghiệp vận hành như thế nào?
Một nền kinh tế không biên giới, chuỗi cung ứng toàn cầu tưởng chừng là những bước đột phá của thời đại chúng ta. Song toàn cầu hóa cũng dẫn tới câu chuyện: những dịch bệnh, khủng hoảng ở một nước không còn là của riêng quốc gia đó nữa, mà trở thành vấn nạn chung. Khi dịch bệnh xảy ra tại một khu vực nhỏ, nếu tất cả chúng ta không đồng lòng khắc phục, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Các doanh nghiệp có thể chao đảo bất cứ lúc nào nếu phụ thuộc vào hoàn toàn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đó.
Đặc biệt, trong tâm dịch, yêu cầu giãn cách xã hội và lệnh cách ly được áp dụng, những đứt gãy đã diễn ra: biên giới giữa các quốc gia đóng cửa, giao thương bị hạn chế và nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua.
Trong báo cáo của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) công bố 24/6/2020, so với năm 2019 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới mất 4,9%. Cũng theo báo cáo của IMF, nhóm 5 nước thành viên ASEAN, bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan vốn là điểm sáng phát triển cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng – sẽ bị giảm 2% GDP.
Lệnh giãn cách xã hội khiến thói quen của người dùng cũng bắt đầu thay đổi:
- Người tiêu dùng dành nhiều thời gian trên internet, tương tác với các mạng xã hội như facebook, instagram, tiktok,…
- Khách hàng ưu tiên mua sắm online, thanh toán trực tuyến, hạn chế tối đa những tiếp xúc trực tiếp.
- Người dùng tham gia các hoạt động trực tuyến nhiều hơn: Livestream, webinar, talkshow,…
Doanh nghiệp buộc phải thực thi các biện pháp an toàn trong sản xuất, đảm bảo tuân thủ lệnh cách ly và làm quen với phương thực hoạt động mới.
Điều này khiến doanh nghiệp đối mặt với ba khó khăn mấu chốt:
- Không được gặp trực tiếp khách hàng.
- Hiệu suất bán hàng giảm.
- Không có khả năng tiếp tục sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa vĩnh viễn nếu thiếu nguồn nội lực sẵn có và không kịp thời thích ứng. Ví dụ, theo Tổng cục thống kê chỉ trong bốn tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái; gần 14.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.
Tuy nhiên, đại dịch cũng có những tác động tích cực nhất định như:
- Thúc đẩy việc hợp tác từ xa.
- Nâng cao nhận thức của CEO và nhận viên về tầm quan trọng của chuyển đổi số và công nghệ.
- Mở ra cơ hội phát triển tiếp thị và kinh doanh trực tuyến.
Vậy như đã phân tích ở trên có thể nói, đại dịch Covid-19 đã tái xác lập cách vận hành truyền thống của các doanh nghiệp hàng trăm năm qua.
Lựa Chọn Của Doanh Nghiệp: Chuyển Đổi Số Hoặc Rời Bỏ Cuộc Chơi!
Trước những thách thức từ làn sóng Covid – 19 thứ hai, ở thời bình thường mới các doanh nghiệp truyền thống vốn quen với cách làm việc trực tiếp, tại chỗ và ít sử dụng công nghệ nhận phải đứng trước lựa chọn: Chuyển đổi số hoặc rời bỏ cuộc chơi.
Chuyển đổi số (digital transformation) là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Đây là xu thế tất yếu.
Một lần nữa, Covid – 19 có thể sẽ được kiểm soát nhưng không ai có thể chắc chắn rằng sẽ không xuất hiện một đại dịch như thế nữa. Các doanh nghiệp hôm nay phải đảm bảo được khả năng sống sót và thậm chí tăng trưởng của mình trong các tình thế tương tự. Việc thích nghi và hòa nhập với thời bình thường mới là vô cùng cần thiết.
Và để đảm bảo “Khả năng sống sót” và thậm chí “Tăng trưởng” của mình doanh nghiệp cần phải giải quyết các bài toán sau:
Thứ nhất, bài toán về cách thức làm việc.
Trước Covid – 19, doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào các hoạt động trực tiếp, sau dịch, doanh nghiệp cần dần thay đổi cách thức hoạt động, làm quen với những phương thức làm việc trực tuyến. Công nghệ cần được tận dụng tối đa, nhân viên nâng cao khả năng sử dụng các phần mềm: zoom, google meet, team, CRM, HRM, Task,… để luôn sẵn sàng cho mọi tình huống.
Thứ hai, bài toán về dòng tiền.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp có thể thoải mái trong việc kiểm soát dòng tiền, có những khoản đầu tư dài hạn. Tuy nhiên ở thời bình thường mới, việc kiểm soát dòng tiền cần được chú trọng chặt chẽ hơn nữa. Các nhà lãnh đạo bình tâm xác định nguồn thu cốt lõi của doanh nghiệp và tập trung vào đó thay vì dàn trải vào các hoạt động không sinh lời hoặc sinh lời nhưng cần thời gian dài.
Thứ ba: Bài toán về nhân sự
Covid – 19 được coi như “bóng ma” của nền kinh tế toàn cầu. Để ứng phó với những khó khăn khi dịch bệnh diễn ra, rất nhiều doanh nghiệp chọn cách cắt giảm nhân sự.
Theo Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, hết tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Có gần 8 triệu người bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên. Hơn 565.000 người đã nộp hồ sơ xin bảo hiểm thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp nên làm không phải là từ bỏ những nhân sự đã gắn kết lâu dài cùng công ty. Thay vì sa thải, doanh nghiệp sau Covid – 19 cần có sự rà soát, sắp xếp lại vị trí nhân sự sao cho đúng chỗ đúng người, có những biện pháp hỗ trợ người lao động. Khó khăn sẽ qua đi song cách mà doanh nghiệp đối đãi với những nhân viên sẽ quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.
Còn rất nhiều bài toán nan giải khác mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời bình thường mới, khi dịch bệnh qua đi. Bản lĩnh và tầm nhìn của doanh nghiệp được thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn này.
Lời kết:
Làn sóng Covid thứ hai đã tái xác lập luật chơi đã tồn tại hơn 100 năm qua. Trong thời bình thường mới doanh nghiệp Việt buộc phải thay đổi và đưa ra lựa chọn Chuyển đổi số hoặc rời bỏ cuộc chơi. Song tại sao dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chuyển đổi số, “Điều gì cản trở doanh nghiệp chuyển đổi số?”. Đó cũng chính là vấn đề được giải đáp trong phần 2 của Series “Chuyển đổi số – Thay đổi hay là chết?”